Nội dung Ly_tao

"Khuất tử hành ngâm đồ" (屈子行吟图) của Trần Hồng Thụ miêu tả cảnh Khuất Nguyên vừa đi vừa ngâm thơ.

Tiêu đề của bài thơ "Ly tao" đề cập tới những gian nan, khổ cực, uất ức[10] hoặc những bi thương phẫn nộ mà Khuất Nguyên phải gánh chịu.[11] Toàn văn tác phẩm có tổng cộng 2.477 chữ,[12] được chia thành 373 câu,[13] có thể được coi là những lời tự sự của Khuất Nguyên.[14] Takeji Sadao chia "Ly tao" ra thành năm phần, phần thứ nhất là phần tự giới thiệu, kể về khoảng thời gian mà ông làm quan đại thần nước Sở, rồi bị kẻ gian nói xấu và cuối cùng vì thế mà thoái ẩn.[15] Trong những câu thơ đầu tiên, Khuất Nguyên đã tự thuật về nguồn gốc của bản thân, chỉ ra rằng Cao Dương (tức Chuyên Húc) chính là thủy tổ của mình,[16] rồi ông kể đến tên tuổi của phụ thân lẫn các vị tổ tiên gần xa khác.[17] Ông ca ngợi tài năng, đức độ của mình,[18] dùng loài hoa để so sánh những phẩm đức của bản thân. Ông ao ước phụ tá nhà vua trị nước, sợ hãi cũng như căm hận những viên quan vô lương dối trên lừa dưới, tham lam nịnh hót. Khuất Nguyên lựa chọn vì lý tưởng mà chiến đấu, noi theo gương của Bành Hàm.[lower-alpha 3] Bành Hàm có lẽ là một hiền sĩ sống vào đời Nhà Ân, được cho là tổ tiên của nghề đồng cốt,[16] hoặc một chân nhân Đạo giáo.[19] Gian thần vì ganh tài ông mà tìm cách hãm hại, vu oan cho ông là một người tự cao, luôn tự cho mình là người siêu phàm. Kể từ khi kẻ gian gièm pha, Khuất Nguyên dù biết rằng mình dù có cố gắng thế nào đi chăng nữa vẫn không thể tránh khỏi thất bại nhưng ông vẫn cố gắng để lấy lại lòng tin từ nhà vua, nhưng cuối cùng vẫn bị nhà vua xa lánh.[20]

Phần thứ hai của tác phẩm là lời tự thuật của tác giả về ý chí muốn chu du tứ phương, nhưng bị Nữ Tu phản đối và khuyến cáo, nên ông đã gặp vua Trùng Hoa (Vua Thuấn) mà bày tỏ nỗi lòng.[21] Nữ Tu (女媭),[lower-alpha 4] có thể là tên của chị gái hoặc một người nữ hầu của Khuất Nguyên, đã cảnh cáo rằng ông không nên quá cố chấp, nhưng đồng thuận với Khuất Nguyên trong một điểm, đó là muốn ông duy trì tiêu chuẩn đạo đức của mình. Khuất Nguyên vượt dòng Nguyên Giang, Tương Giang, hướng tới núi Cửu Nghi[lower-alpha 5] để yết kiến Vua Trùng Hoa, ôn lại sự tích của Hạ Kiệt, Thương Trụ, Hạ Vũ, Thương Thang,[22] bàn về thành bại của hiền chủ - hôn quân từ cổ chí kim,[23] thời nào có minh quân và hiền thần thì nước trị, thời nào gặp bạo quân và nịnh thần thì loạn. Ông nêu rõ thái độ của mình đối với triều đình nước Sở[24] và rằng ông thà chết chứ không hối hận.[23]

Tranh vẽ một phân đoạn trong "Ly tao" của Kikkawa Reika (1875–1929). Nhân vật trong tranh có thể là Phục Phi thần nữ, hoặc thủy thần sông Tương.

Phần thứ ba tác giả kể về việc ông du ngoạn tứ phương, trên trời dưới đất để tìm kiếm mỹ nữ nhưng rốt cuộc không tìm được người ưng ý.[15] Ông lên thiên giới dạo chơi, "Lộ man man kỳ tu viễn hề, ngộ tương thượng hạ nhi cầu sách; Ẩm dư mã hư hàm trì hề, tổng dư bí hồ phù tang",[lower-alpha 6] có thần linh đi theo làm tùy tùng, điều khiển xe rồng phượng, có phong lôi vì ông mà bôn ba, lại có tiên cầm vì ông mà mở đường. Những đám mây lấp lánh vây xung quanh người Khuất Nguyên rồi bay về phía trời xanh.[25] Ông đến cửa Thiên Cung nhưng không thể tiến vào, rồi mới phải xuống hạ giới tìm kiếm mỹ nữ,[15] định cầu Phục Phi thần nữ nhưng giữa đường gặp gian truân mà dừng bước, bèn cầu Giản Địch và hai hiền nữ họ Diêu tộc Hữu Ngu nhưng đều bị cả hai cự tuyệt.[26]

Phần thứ tư của tác phẩm nói về tâm trạng mất lòng mất dạ của Khuất Nguyên, đã tìm đến Linh Phân và Vu Hàm để thỉnh giáo là nên đi hay ở lại.[27][lower-alpha 7] Cả hai người đều khuyên ông phải đi thật xa mới tìm thấy mỹ nữ đời mình, họ khuyên ông nên rời khỏi nước Sở, nên là một con người khéo léo, chớ nên quá kiên trì với lý tưởng. Khuất Nguyên do dự không thể quyết định, ông đấu tranh nội tâm mãnh liệt,[28] phải vật lộn với ý nghĩ ra đi hay ở lại, biểu đạt cảm xúc lúc bấy giờ của ông đối với nước Sở.[26]

Phần thứ năm nói về việc nhà thơ lại một lần nữa lên đường chu du, cùng cực tứ phương, nhưng không kìm nén nỗi lòng nhớ cố hương, cho nên đã quyết định kết thúc chuyến hành trình.[15] Phân đoạn ông miêu tả cảnh mình lên trời, chu du phương xa, khí phách hùng vĩ, chính là điểm cao trào của tác phẩm. Ông điều khiển xe Phi Long, dùng thần câu[lower-alpha 8] kéo xe, mang theo thức ăn ngon, vừa múa vừa hát.[26] Dùng xe Long Phượng bằng ngọc, Khuất Nguyên đi đến Côn Lôn, Huyền Phố,[lower-alpha 9] Lưu Sa, Bất Chu Sơn rồi bay lên trời cao,[29] hy vọng sẽ có thể cao chạy xa bay, tìm được một vùng đất mới, một người bạn đồng hành phù hợp, nhưng rốt cuộc cũng bất thành. Khuất Nguyên không muốn phải rời xa quê hương, nội tâm mâu thuẫn,[30] nên cuối cùng đã quyết định ở lại nước Sở,[27] kết thúc những mưu cầu của mình một cách đột ngột. Ông nói: "Ta bay lên trời cao hiển hách hề, chợt trông thấy cố hương",[lower-alpha 10] rồi quyết định ở lại thế giới thực tại và "đi theo Bành Hàm".[31] Năm câu cuối của bài thơ được gọi "Loạn" (亂), thể hiện tình cảm thiết tha của Khuất Nguyên dành cho tổ quốc[32] và chỉ trích những kẻ trong nước đã hành xử bất công với mình.[33]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ly_tao http://134.208.29.230/bitstream/987654321/3222/1/3... http://www.cqvip.com/qk/82858a/199001/3001371899.h... http://www.nssd.org/articles/Article_Read.aspx?id=... http://www.nssd.org/articles/Article_Read.aspx?id=... http://www.nssd.org/articles/article_read.aspx?id=... http://www.nssd.org/articles/article_read.aspx?id=... http://thuvien.camau.gov.vn/SitePages/digital-docu... https://www.amazon.com/%E5%89%91%E6%A1%A5%E4%B8%AD... https://books.google.com/books?id=lfB5DwAAQBAJ&pg=... https://drive.google.com/file/d/0B7-KZ4VZiFWYWGFrU...